Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Thủ tướng cam kết đột phá về xây dựng thể chế để phát triển

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thuyết phục các nhà tài trợ quốc tế, rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhằm tạo môi trường phát triển hiệu quả hơn cho đất nước.

Tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) tổ chức sáng 5-12 tại Hà Nội, Thủ tướng nhắc lại Việt Nam vừa thông qua Hiến pháp, sửa đổi một số luật quan trọng, và đang đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự VDPF 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự VDPF 2013.
"Đó là những cơ sở quan trọng để Việt Nam thực hiện mạnh mẽ đột phá về xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường phát triển quốc gia hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn với sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp và mọi người dân", ông nhấn mạnh.

Tiếp tục cải cách kinh tế

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khu vực mà các nhà tài trợ luôn thúc giục Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trong 2014 - 2015 Chính phủ sẽ cổ phần hóa khoảng 500 DNNN, trong đó cổ phần hóa 1 trong 8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90 (trong tổng số 87 tổng công ty); bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2020. Trong giai đoạn này, các DNNN sẽ buộc phải chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành.

Về tái cơ cấu ngân hàng, thị trường tài chính, Thủ tướng cho biết sẽ tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các NHTM cổ phần yếu kém. Tiếp tục cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh. Xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh xử lý nợ xấu ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty VAMC, năm 2014 xử lý 100-150 ngàn tỉ đồng nợ xấu.

Về đầu tư công, ông cam kết sẽ thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư trung hạn, phân cấp hiệu quả việc phân bổ nguồn lực giữa trung ương và địa phương cho phát triển kinh tế, vùng địa phương. Tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, vốn đối ứng ODA, vốn tham gia các dự án PPP. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.

Trong 2 năm tới, Thủ tướng nói, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính phủ cam kết thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu như điện, than, xăng dầu, nước, y tế.

Nền tảng còn mong manh

Ông cho biết, trong giai đoạn 2011-2013, Việt Nam đã kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, giảm từ hơn 18% năm 2011 xuống còn khoảng 6% năm nay.

Năm 2013, tăng trưởng GDP đạt 5,4%, bình quân 3 năm 2011- 2013 tăng 5,6%/năm, đưa quy mô nền kinh tế đạt gần 176 tỉ đô la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 đô la Mỹ. Dự kiến GDP tăng khoảng 5,8% năm 2014, và 6% năm 2015.

Ông khẳng định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7,8% năm 2013, bình quân giảm trên 2%/năm.

Trong năm 2011-2013 đã tạo việc làm cho gần 4,6 triệu người.

Quốc tế muốn cải cách nhanh hơn

Trong bài phát biểu, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa muốn Việt Nam tiếp tục tiến trình cải cách nhanh hơn. Bà khẳng định, dù đã thực hiện thành công giảm nghèo trong 2 thập kỷ qua, nhưng vẫn còn tới 19 triệu người nghèo, trong đó 75% đối tượng cực nghèo là người thiểu số.

Ngoài ra, bà cảnh báo, vẫn còn nhiều người thuộc nhóm gần ngưỡng nghèo và luôn có nguy cơ bị rơi trở lại đói nghèo. Bên cạnh đó, quá trình bất bình đẳng đã gia tăng.

"Tăng trưởng vẫn còn chậm chạp. Tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp, và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ", bà Kwakwa nói.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính ngân hàng, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế, bà nói.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Tomoyuki Kimura cho rằng, dù Việt Nam đã kiềm chế thành công lạm phát, tăng được dự trữ ngoại hối, song thành quả ổn định kinh tế vĩ mô mới chỉ là bước đầu.

"Những nỗ lực ổn định vĩ mô vẫn phải tiếp tục, trong khi quá trình cải cách DNNN cần được tăng tốc hơn. Chúng tôi muốn Chính phủ phải tham gia nhiều hơn vào cải cách DNNN", ông Kimura nói.

Các đại sứ EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada đều cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong tiền trình phát triển dù đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Công ty Sản Xuất Máy Và Thiết Bị Xây Dựng RỒNG VIỆT

Trụ sở: Tòa nhà Mercury - 203 Nam Kỳ Khởi Nghĩa – P. 7 – Q. 3 – TP. HCM

Xưởng SX: 109 QL1A – P. Thạnh Xuân – Q. 12 – TP. HCM

Hotline: 0973 620 668 (Ms Thu) / 0923 079 779 (PKD)





0 nhận xét:

Đăng nhận xét