(Xây dựng) - Chúng tôi là những thành viên tham gia trong
chuyến công tác, học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản. Đối tác chính của
chúng tôi là Báo Tin tức Kỹ thuật và Xây dựng Nhật Bản và một số công ty
xây dựng hàng đầu Nhật Bản. Hợp tác với nhau đã lâu, phía bạn cũng đã
nhiều lần sang Việt Nam nhưng mãi đến giờ, về phía Việt Nam chúng tôi
mới có thể thu xếp cho chuyến công tác đầu tiên bởi một số lý do khách
quan. Đoàn chúng tôi ai nấy đều rất hồi hộp và trông mong vào chuyến đi
này bởi Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia trên thế giới có nét truyền
thống đặc sắc về khoa học công nghệ, con người tài ba và văn hoá đa
dạng.
Nhật Bản không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, họ phải chịu đựng hàng
trăm trận động đất mỗi năm, nhưng những điều đó cũng không ngăn cản Nhật
trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới trong nhiều năm
liền. Và thành phố Hiroshima chỉ cần 10 năm đã trở lại thời phát triển
kinh tế sau khi xảy ra vụ ném bom nguyên tử của Mỹ. Vậy vì sao họ lại
như vậy? Chúng tôi ai nấy đều rất tò mò và rất háo hức khám phá và mong
có dịp được trải nghiệm thực tế để có thể phần nào lý giải được câu hỏi
này.
Narita – sân bay danh tiếng của Nhật Bản
Chuyến bay đêm mệt mỏi vì ghế ngồi của máy bay Vietnam Airlines quá bé,
chật chội đến nghẹt thở. Đến sân bay Narita khoảng 7h35 giờ địa phương,
ai nấy đều rất mệt mỏi nhưng vì quá háo hức, chúng tôi dường như quên
đi sự mệt mỏi về thể chất và thay vào đó là tinh thần vô cùng phấn
khích.
Sân bay quốc tế Narita là sân bay quốc tế tại Narita, tỉnh Chiba, Nhật
Bản, phía Đông của Vùng Đại Tokyo. Narita phục vụ phần lớn các chuyến
bay vận chuyển hành khách đến và đi Nhật Bản và cũng là điểm kết nối
hàng không chính giữa châu Á và châu Mỹ. Đây là sân bay tấp nập &
vận chuyển hàng hóa lớn thứ 2 Nhật Bản, sân bay vận chuyển hàng hóa tấp
nập thứ 3 thế giới.
Ấn tượng đầu tiên của đoàn chúng tôi là sự hiện đại. Sân bay Harita
nườm nượp người ra vào nhưng có lẽ vì rộng quá nên cảm giác ở đây rất
thông thoáng. Vài phút lại có một máy bay hạ cánh cất cánh. Với hơn 100
cổng kiểm soát, chúng tôi có cảm tưởng như khó có khi nào Narita có thể
sử dụng hết max khả năng của họ. Tại đây, gần như là một thành phố nén
với những phương tiện và dịch vụ quá ư tiện lợi cho các hành khách trong
những chuyến bay ngắn và dài. Những hàng quán bày trí phong cách Nhật
đầy ấn tượng. Được biết, tại sân bay có dịch vụ phòng ngủ và tắm, giá
dao động trăm khoảng vài trăm yên. Sân bay Narita có hệ thống ghế mát
xa, giá 10 phút là 100 yên.
Điều làm cho chúng tôi vô cùng cảm động đó là sự nhiệt tình, cần cù
chăm chỉ của các nhân viên hải quan Nhật Bản. Họ hỏi nhiều câu hỏi kỹ
lưỡng đối với người nhập cư nhưng rất lịch sự, niềm nở và dễ chịu. Chúng
tôi có cảm tưởng như người Nhật vốn xem công việc là niềm vui, rất vui
khi có việc để làm, dù là việc nhỏ như đổ rác ở sân bay, chỉ dẫn hành
khách, khuân đồ…đều dốc sức cho niềm vui công việc của họ. Họ hướng dẫn
hành khách một cách tự nhiên, nhiệt thành mà không quan tâm đến sự đền
đáp. Hình ảnh một ông già chạy lăng xăng để tìm một cuộc băng dính cho
đoàn đã làm chúng tôi cảm động mãi.
Lấy đồ ở sân bay cũng rất thuận tiện, nhanh chóng với những chỉ dẫn rõ
ràng. Thoáng một lát, xuống sân bay qua khu vực kiểm soát hộ chiếu là có
thể lấy ngay được hành lý. Những chiếc xe đẩy hoạt động rất hiệu quả
bởi sự trơn tru của những trục bánh xe, giúp cho hành khách được nhẹ
nhàng và tiện lợi tại sân bay.
Ra khỏi sân bay chúng tôi bắt gặp bầu không khí mát lạnh của buổi sớm
hôm. Đón đoàn chúng tôi là ông Takahashi, Giám đốc đối ngoại báo Nhật,
ông Fukira và Tae Maki là những đồng nghiệp đón chúng tôi ở sân bay
Narita cùng cô phiên dịch Việt – Nhật. Mặc dầu là ngày cuối tuần nhưng
các bạn Nhật rất vui vẻ và nhiệt tình hỏi han, chăm sóc chúng tôi. Chúng
tôi cảm nhận được sự tận tâm, chu đáo và đôn hậu ở họ. Cảm động nhất là
tấm biển và logo của Báo Xây dựng được giơ cao chào đón đoàn. Mặc dầu
chúng tôi đã biết nhau từ trước, họ đã mấy lần sang Việt Nam nhưng họ
vẫn muốn giơ biển có logo của Báo đón đoàn bởi họ mong muốn chúng tôi
cảm nhận sự quan tâm, tôn trọng và mến khách từ họ.
Ngôi chùa Đại cổ tự Naritasan
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là ngôi chùa Đại cổ tự Naritasan. Dọc
hai bên đường phố đến khu vực chùa là những tiệm ăn, cửa hàng, bán hàng
thủ công truyền thống, thực phẩm và đồ lưu niệm. Tất cả đều toát lên vẻ
đẹp vô cùng dễ thương, vô cùng trìu mến. Đoàn chúng tôi đã phải cảm ơn
mãi người dẫn đường và tạo cho chúng tôi một cơ hội được trải nghiệm cảm
giác hạnh phúc này.
Naritasan là ngôi chùa Phật Giáo lâu đời tại thành phố Narita, không xa
sân bay Narita. Đây là một ngôi đại cổ tự có kiến trúc đẹp mê đắm cho
những ai muốn tham quan các di tích lịch sử Nhật Bản. Được biết,
Naritasan có khoảng năm 940 thuộc phái Chân Ngôn.
Nhiều công trình cổ rộng lớn có trong khuôn viên chùa này bao gồm toà
chánh điện và hội trường. Có một ngôi chùa ba tầng và một đền thờ gọi là
Đại Cổ Tự. Bên cạnh đó là một khuôn viên xanh thanh tịnh kết hợp cả hai
truyền thống của Nhật Bản và Tây Phương.
Điểm thích thú nơi đây chính là phong cảnh hùng vĩ nhưng hết sức yên
tĩnh của ngôi chùa. Theo lời của người hướng dẫn, tương truyền ngôi chùa
này rất thiêng, đặc biệt cầu về tình duyên và hạnh phúc. Những người
đến đây cầu hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình và hạnh phúc giữa con
người với con người.
Nơi đây có những thời điểm rất đông du khách, muốn đặt chân đến đây và
chắp tay cầu khấn có khi phải xếp hàng dài hàng trăm mét. Hôm đó chúng
tôi đến lại rất may mắn bởi khá vắng vẻ, có lẽ một phần là do sớm quá và
một phần là do trời mưa. Thường cuối tuần, người dân Nhật Bản dậy muộn
và họ đi chơi cầu lễ cũng khá muộn màng. Chúng tôi ai nấy đều cảm giác
thanh bình, yên ả vì được trải nghiệm đầu tiên ở một nơi thiêng liêng,
đẹp đằm thắm và vô cùng ấn tượng với những ngôi nhà, hàng quán dọc theo
con đường đến chùa.
Hoàng cung Nhật Bản
Chúng tôi tranh thủ thăm thú thành phố và khám phá nơi đây trong 2 ngày
cuối tuần. Nằm ở trung tâm Tokyo, Hoàng cung Nhật Bản là nơi Hoàng gia
Nhật Bản hiện đang sống và làm việc. Tại đây, Nhật Hoàng và Hoàng hậu
đón tiếp khách quý và lãnh đạo các nước, tiếp nhận các đại diện ngoại
giao được cử sang nhậm chức tại Nhật Bản.
Đây là khu vực lịch sử tôn nghiêm nhất của đất nước Nhật Bản. Hoàng
cung nằm trong một khu công viên rộng lớn được bao bọc bởi hào nước và
tường thành bằng đá, bên ngoài trồng nhiều cây thông cổ thụ được cắt tỉa
khéo léo.
Vị trí Hoàng cung ngày nay cũng chính là khu vực Cung điện Edo được xây
dựng từ thời chính quyền Nhật Bản nằm trong tay dòng họ sứ quân
Tokugawa cai trị từ năm 1603 - 1867. Leyasu Tokugawa, vị sứ quân đầu
tiên trong thời kỳ Edo, đã xây dựng Cung điện Edo như một biểu tượng
chính trị và kinh tế cho nước Nhật thời đó. Đến năm 1710, tức thời của
sứ quân Ienobu, đây là khu Cung điện được bao quanh bởi hai lớp hào
nước, với diện tích dài khoảng 5 km, theo hướng Đông sang Tây, và 3,9km,
theo hướng Nam sang Bắc. Năm 1868, chế độ sứ quân bị dẹp bỏ, đất nước
quy về một mối do nhà vua cai trị, và kinh đô được dời từ Kyoto về
Tokyo. Hoàng cung được xây dựng và hoàn tất năm 1888, rồi bị không quân
Mỹ tàn phá năm 1945.
Được bao bọc bởi những tường thành cổ và hồ nước, dù không được vào bên
trong nhưng quan sát bên ngoài chúng tôi nhận thấy Hoàng cung toát nên
một không khí tôn nghiêm. Mỗi năm, Cung điện của Nhật Hoàng chỉ mở cửa
cho dân chúng vào thăm hai lần: ngày 2.1, nhân dịp đầu năm và ngày Tết
của Nhật; và ngày sinh nhật của Nhật Hoàng đương nhiệm Akihito, 23/12.
Vào những ngày đó, Hoàng gia Nhật sẽ đứng trên ban công để dân chúng
chúc mừng. Những ngày khác trong năm, mọi người chỉ được đứng bên ngoài
cổng Hoàng cung ngắm và chụp ảnh lưu niệm. Mọi sự tiếp cận đối với gia
đình hoàng tộc đều được Cơ quan Quản lý Hoàng gia kiểm soát nghiêm ngặt.
Không gian xanh mát và yên tĩnh của các khu vườn Hoàng cung nằm giữa
thành phố Tokyo náo nhiệt đã thu hút nhiều người dân thủ đô Nhật Bản đến
đây thăm quan. Mặc dầu trời mưa nhưng khách đến thăm quan vẫn khá đông
đúc. Tuy Hoàng cung là địa điểm nhiều du khách tham quan và chụp ảnh,
nhưng mọi thứ hết sức ngăn nắp, trật tự, bãi cỏ vẫn xanh mướt, các gốc
tùng bách được cắt xén nghệ thuật toát lên vẻ trang nghiêm của một nơi
tôn kính.
Thiên nhiên và mưa Nhật Bản
Thiên nhiên Nhật Bản bốn bề là đảo biển, nơi đây có những vẻ đẹp lạ
lùng và vô cùng quyến rũ. Những thắng cảnh nổi tiếng của Nhật Bản thường
ghi dấu ấn của nhân tạo từ những bàn tay, khối óc khéo léo tinh tế tạo
nên. Người Nhật đã tự tạo cho mình một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp,
hoành tráng theo đúng nghĩa với tên gọi “xứ sở hoa anh đào”, hay “đất
nước mặt trời mọc.
Nơi đây, thiên nhiên và con người như hoà quyện với nhau làm nên một
bức tranh tuyệt đẹp. Những kiểng vườn hoa nho nhỏ trước hoặc bên cạnh
ngôi nhà luôn mang đặc trưng riêng. Đó chính là nơi "thiên nhiên được
nghệ thuật sắp xếp mang lại ý nghĩa tượng trưng". Một hòn đá, một gốc
cây cũng được nâng lên tầm nghệ thuật mang cảm xúc sâu lắng. Đây chính
là nghệ thuật làm vườn của người Nhật Bản. Thật thanh bình biết bao!
Phong cảnh thiên nhiên nơi đây mang một vẻ đẹp quyến rũ kỳ lạ. Cây cối,
thảm cỏ, vườn hoa, cây cảnh trước thềm nhà……xen lẫn những mái nhà gỗ
truyền thống với những con người bộc trực như tôn thêm vẻ đẹp nơi này.
Nhật Bản là một trong số những cường quốc lớn mạnh trên thế giới nhưng
người Nhật vẫn có những khu thiên nhiên nằm ngay cạnh những toà nhà chọc
trời như thể làm cho cuộc sống trở nên cân bằng giữa hiện đại và thiên
nhiên.
Trước khi qua đây, đoàn đã được thông báo là vào tháng 6 sẽ có mưa và
mưa rả rích dai dẳng. Mọi người lắc đầu ngán ngẩm vì nghĩ rằng mưa sẽ
làm cản trở việc đi lại và làm buồn chuyến đi nhưng khi chứng kiến ngày
mưa ở đây, thực tế không hẳn như vậy!
Mưa không nhiều, không lâu. Việc đi lại giao thông hoàn toàn bình
thường, đường phố sạch sẽ, ráo nhanh, không bị cản trở bởi những bụi
đất, vũng nước hoặc ngập lụt như ở thành phố chúng ta. Chính vì mưa ở
Nhật lúc ẩn lúc hiện, mưa nhanh nên ở Nhật có văn hóa ô dù.
Mưa không cản đường du khách bởi đường xá không trơn và không có bụi
bẩn, có chăng chỉ là hơi lạnh giá từ những cơn gió mạnh mà thôi! Mưa ở
đây hình như mang theo sự lãng mạn lạ lùng, khắc khoải cho những du
khách như chúng tôi. Mưa không buồn tái tê mà nhẹ nhàng thả những giọt
nước tinh khôi lên những chiếc ô sắc màu xinh xắn.
Mùa mưa ở Nhật cũng là mùa hoa tử dương hoa, cẩm tú cầu nở rộ khắp nơi,
từ vườn nhà, công viên, hai bên đường ray tàu hoả, lối vào đền thần...
Tuỳ vào thời tiết mà hoa sẽ nở ra các sắc màu khác nhau như hồng, xanh
dương, tím, trắng. Nếu ai đó sang Nhật vào thời điểm này, một chiếc ô
trên tay là lời khuyên thực tế. Cầm chiếc ô trên tay, ta vẫn có thể ngắm
nhìn mọi chuyển động, vạn vật xung quanh mà mưa không ảnh hưởng chút
nào bởi cây cỏ tươi tốt khoe sắc, điểm nổi bật trong mùa mưa ở Nhật Bản.
Ẩm thực Nhật
Ẩm thực Nhật hút hồn khách ở sự trưng bày tinh tế, bắt mắt. Những người
đã từng tiếp xúc với ẩm thực Nhật đều thừa nhận, về hình thức món ăn
Nhật xứng đáng dẫn đầu thế giới ẩm thực. Ẩm thực Nhật nổi tiếng thế giới
với những món Sushi, Sashimi, Tempura, các loại mì udon, soba…
Ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật
hương vị tinh khiết tự nhiên của món ăn. Thường các món ăn Nhật có vị
thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa. Do vị trí địa
lý bao quanh nước Nhật là biển nên phần lớn hải sản và rong biển chiếm
trong khẩu phần ăn của họ. Lương thực chính của người Nhật là gạo; người
Nhật cuộn gạo trong những tấm rong biển xanh đen, tạo thành món sushi,
được xem là lương thực chính giống như ở Việt Nam.
Các món ăn Nhật thể hiện tư duy thẩm mĩ tinh tế và sự khéo léo của
người nấu khi được bày biện để thực khách có thể thấy nét đẹp của vật
dụng đựng món ăn. Các món ăn Nhật Bản tuân theo quy tắc "tam ngũ": ngũ
vị, ngũ sắc, ngũ pháp. Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn. Ngũ
sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Ngũ pháp là: sống, ninh, nướng,
chiên và hấp. .
Một bữa ăn truyền thống của người Nhật gồm: cá nướng, 1 bát cơm, rau
vừa nấu chín, súp miso, hoa quả cắt lát làm món tráng miệng và trà xanh.
Dân số Nhật chiếm 2% thế giới nhưng lượng tiêu thụ cá của họ lên đến
10% thế giới. Cá rất giàu protein, không có năng lượng dư thừa giúp
tránh được nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn rất giàu omega3, rất tốt cho
da. Các siêu thị của Nhật Bản là nơi lý tưởng về đồ ăn sạch. Ngay từ
nhỏ họ đã được dạy ăn chậm và nhai kỹ. Họ không bao giờ gắp đầy đĩa thức
ăn, không ăn miếng to. Món nào để riêng món nấy và luôn được bày biện
vô cùng thú vị như một bức tranh sống động.
Nhật Bản xem rượu Sake là biểu tượng của đất nước mình, không đơn thuần
chỉ là một loại đồ uống trong bữa ăn mà Sake còn bao hàm cả ý nghĩa văn
hóa, tôn giáo. Đó là ý nghĩa Sake không chỉ là cầu nối giữa con người
với con người mà còn là cầu nối giữa con người với thần linh thiêng
liêng. Yếu tố tâm linh làm nên sự nổi tiếng và trân trọng từ đời này
sang đời khác của Sake Nhật Bản. Khắp mọi nơi, đâu đâu cũng có thể bắt
gặp hình ảnh phong phú về các chủng loại Sake được bày la liệt tại các
cửa hàng. Đây là loại rượu này có tuổi đời lên tới 2.000 năm trước.
Sake có thể uống khi nguội, khi ấm hoặc nóng tùy theo mùa và theo loại
Sake. Thường thì khi mùa Đông, người ta hay uống Sake nóng. Người ta còn
phân biệt rượu Sake nữ và Sake nam. Sake nam là loại làm từ nước cứng,
có nhiều muối canxi và muối magiê, có vị hơi đắng. Sake nữ là loại làm
bằng nước mềm, có vị dịu. Chén uống Sake có nhiều loại. Khi uống Sake
theo cách tương đối trang trọng và mang tính truyền thống, người Nhật có
thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông, hoặc một chiếc chén nhỏ không có
quai. Trang trọng và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc
bằng gỗ. Ở gia đình và ở nước ngoài, Sake có thể uống bằng ly thủy tinh.
Công ty Sản Xuất Máy Và Thiết Bị Xây Dựng RỒNG VIỆT
Trụ sở: Tòa nhà Châu Á - 68B Nguyễn Văn Trỗi – P. 8 – Q. Phú Nhuận – TP. HCM
Xưởng SX: 109 QL1A – P. Thạnh Xuân – Q. 12 – TP. HCM
Hotline: 0973 620 668 (Ms Thu) / 0923 079 779 (PKD)