Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Khánh thành cầu Vĩnh Thịnh trước 7 tháng

(Máy Xây dựng) Ngày 08/6, tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức lễ khánh thành dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C, vượt sông Hồng, sử dụng vốn ODA Hàn Quốc, nối thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Việc hoàn thành, đưa vào khai thác sớm cầu Vĩnh Thịnh trước 7 tháng góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế toàn diện cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Khánh thành cầu Vĩnh Thịnh - Sơn Tây (Hà Nội)
Khánh thành cầu Vĩnh Thịnh - Sơn Tây (Hà Nội)
Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các cơ quan tư vấn giám sát Hàn quốc, các đơn vị thi công và địa phương nơi có công trình đi qua.

Cầu Vĩnh Thịnh là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Cầu do các kỹ sư, công nhân Việt Nam và Hàn Quốc thi công với chất lượng tốt, có tính mỹ thuật cao là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên QL2C được Bộ GTVT quyết định phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1869/QĐ-BGTVT ngày 29/6/2009 với tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc (100 triệu USD) thông qua Quỹ EDCF và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (37 triệu USD).

Dự án có chiều dài là 5.487m (trong đó cầu dài 4.480m và đường hai đầu cầu dài 1.007m) với điểm đầu tuyến theo lý trình của dự án tại Km4+313m (nút giao QL32 với tuyến tránh thị xã Sơn Tây); điểm cuối tuyến theo lý trình của dự án tại Km9 + 800m (vượt qua đê tả sông Hồng khoảng 200m kết nối với QL2C).

Cầu được thiết kế tải trọng xe HL93, tần suất thiết kế P =1%. Cấp động đất tính toán: cấp 8. Khổ thông thuyền: B×H = 80×10m. Mặt cắt ngang cầu thiết kế rộng Bmc=16,5m cho 4 làn xe.

Cầu chính nhịp có kết cấu dầm hộp liên tục gồm 9 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực bố trí theo sơ đồ (50+90+5×120+90+50)m, thi công đúc hẫng cân bằng.

Cầu dẫn nhịp có kết cấu dầm Super-T, chiều dài mỗi nhịp 40m. Đường đầu cầu thiết kế với cấp đường cấp III đồng bằng. Tốc độ thiết kế 80km/h. Mặt cắt ngang đường thiết kế bề rộng nền đường Bnền=17,5m. Bề rộng mặt đường Bmặt=16,5m.

Công trình được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư cho BQLDA Thăng Long. Nhà thầu thi công gói thầu xây lắp chính của dự án trị giá 85,603 triệu USD là nhà thầu GS Engineering & Construction Corp (Hàn Quốc); TCty Xây dựng công trinhg giao thông 1 (CIENCO1) là nhà thầu phụ đặc biệt tại dự án, Liên danh Yooshin - Sambo (Hàn Quốc) là đơn vị Tư vấn lập Thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công.

Sau gần 28 tháng thi công với nhiều khó khăn thử thách, toàn bộ dự án với 100 mố trụ, 650 cọc khoan nhồi đường kính từ 1,5 - 2m với tổng chiều dài khoan lên đến 23Km, 150 nghìn m3 bê tông các loại, 22 nghìn tấn sắt thép, 650 phiến dầm SUPER TEE cho cầu dẫn; phần cầu chính là chuỗi nhịp dầm hộp liên tục 9 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực dài 880m, các nhịp chính vượt sông dài 120m.

Chiều dài phần đường dẫn là 1km với tổng khối lượng đào đắp 63 nghìn m3 đã được các kỹ sư, công nhân, thợ cầu đường Việt Nam và Hàn Quốc với quyết tâm cao độ, đoàn kết nỗ lực vượt qua những điều kiện bất lợi về thời tiết, địa chất, thuỷ văn... đề ra những giải pháp tổ chức thi công hợp lý, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong xây dựng dự án để hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng vượt tiến độ gần 7 tháng so với hợp đồng (công trình được khởi công vào ngày 18/12/2011, theo hợp đồng sẽ hoàn thành trong 36 tháng).

Việc hoàn thành, đưa vào khai thác sớm cầu Vĩnh Thịnh trước 7 tháng để thay thế cho phà Vĩnh Thịnh sẽ góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế toàn diện cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, góp phần tạo động lực và thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Cầu Vĩnh Thịnh sẽ kết nối 2 trục hướng tâm (QL32 và QL2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang; đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như QL2, QL3, QL6, QL32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía nam và ngược lại.

Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, cầu Vĩnh Thịnh sẽ là cầu chính trên tuyến đường vành đai 5, tuyến đường sẽ kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và các mặt văn hoá, du lịch của thủ đô Hà Nội.

Tai lễ khánh thành cầu Vĩnh Thịnh, ông Phùng Quang Hùng thay mặt tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn cải tạo QL2C và đường vành đai 5 để góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Vĩnh Thịnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định ý nghĩa to lớn của việc đưa vào sử dụng cây cầu, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, kết nối giao thông của Thủ đô với các địa phương vùng Tây bắc. Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tham gia xây dựng cầu Vĩnh Thịnh với việc đưa công trình về đích trước 7 tháng, đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa và đặc biệt của ngành GTVT. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua việc hỗ trợ vốn ODA cho dự án cầu Vinh Thịnh cũng như 12 dự án của ngành GTVT.

Công ty Sản Xuất Máy Và Thiết Bị Xây Dựng RỒNG VIỆT

Trụ sở: Tòa nhà Châu Á - 68B Nguyễn Văn Trỗi – P. 8 – Q. Phú Nhuận – TP. HCM

Xưởng SX: 109 QL1A – P. Thạnh Xuân – Q. 12 – TP. HCM

Hotline: 0973 620 668 (Ms Thu) / 0923 079 779 (PKD)





0 nhận xét:

Đăng nhận xét