Máy xây dựng - Mặc dù đã vào mùa xây dựng, nhưng thị trường vật liệu xây dựng hiện nay lại khá ảm đạm, sức mua sụt giảm mạnh so với mọi năm. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước và sự phát triển tự thân của các doanh nghiệp, các chuyên gia đều cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng hàng sản xuất trong nước nhằm giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường vật liệu xây dựng.
Trong quý I/2013, lượng tiêu thụ thép tiếp tục giảm 3,26% so với cùng kỳ năm 2012. Điều này khiến một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, số khác sản xuất cầm chừng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, nhưng thay vì tìm cách tìm kiếm phát triển thị trường theo kiểu mạnh ai nấy lo, thì nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang tính đến phương án phối hợp với nhau để cùng chia sẻ khó khăn trước mắt.
Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch HH Thép Việt Nam, ông cho biết, trên cơ sở lượng tiêu thụ của thị trường hiện nay thì các doanh nghiệp nên cùng phối hợp với nhau để chia sẻ thị phần chứ không theo kiểu mạnh ai nấy chạy.
"Phải đẩy mạnh xuất khẩu vì hiện nay, cung vẫn luôn lớn hơn cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cố gắng đưa tiến bộ kỹ thuật vào để giảm chi phí, giảm tiêu hao, nâng cao khả năng cạnh tranh", ông Nghi nói.
Trong thời gian vừa qua, thị trường vật liệu xây dựng lại tồn tại một nghịch lý. Đó là sức tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều nhưng nhiều loại sản phẩm như xi măng, thép, giá lại không giảm, mà có chiều hướng tăng cao. Vì vậy, khi phân tích những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng, các chuyên gia trong ngành không quên nhắc đến những giải pháp làm thế nào để hạ giá thành và đưa đến người tiêu dùng những sản phẩm tốt với giá hợp lý nhất.
Theo TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD VN, phải bố trí mạng lưới kinh doanh như thế nào để đừng qua nhiều khâu trung gian quá sẽ dẫn đến giá thành đắt, khi đến tay người tiêu dùng thì giá đã bị nâng lên quá cao, thay vào đó doanh nghiệp nên phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để giảm chi phí không cần thiết.
Về vấn đề này, ông Nghi cho rằng, việc giảm các chi phí gián tiếp, hợp lý hóa tổ chức sản xuất là một trong những khâu quan trọng.
"Làm thế nào để chi phí sản xuất thấp nhất thì mới tạo ra sức cạnh tranh, không những tạo ra điều kiện tốt trong việc giá cả sẽ linh hoạt hơn mà doanh nghiệp sẽ sống tốt hơn và nhất là người tiêu dùng cũng sẽ có lợi hơn", ông Nghi khẳng định.
Mặc dù gặp phải không ít khó khăn, nhưng nhìn chung, năng lực của ngành sản xuất vật liệu xây dựng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, cái khó ở đây lại là việc làm thế nào để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước thay vì các sản phẩm ngoại nhập. Giải được bài toán đó, thì ngành sản xuất vật liệu xây dựng sẽ cơ bản vượt qua được nhiều khó khăn trước mắt.
Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN cho rằng, chúng ta phải tuyên truyền, cổ động "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" vì hàng của chúng ta đủ chủng loại, mẫu mã kích thước và đủ loại trang trí bề mặt.
"Đơn cử như các tấm lát từ gạch ceramic của chúng ta thì không còn nhỏ nữa mà chúng ta đã làm những tấm 60x60, 80x80, 120x120. Tất cả những kích thước đó đều thỏa mãn mức yêu cầu tiêu dùng hiện đại của người Việt Nam", ông Huy cho hay.
Tuy nhiên, theo TS Trần Văn Huynh, có một giải pháp rất quan trọng là làm thế nào để có thể vận động được người dân sử dụng hàng vật liệu xây dựng trong nước theo khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Như vậy có nghĩa là tất cả các công trình xây dựng của Việt Nam thì đều phải dùng vật liệu xây dựng của Việt Nam, có như vậy thì chúng ta mới có thể mở được đường ra cho ngành vật liệu xây dựng trong nước đứng vững ngay trên "sân nhà" của mình.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng quan tâm đến các thương hiệu và doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, độ lan tỏa của chương trình nhìn chung mới chỉ dừng lại ở một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong khi các lĩnh vực khác như vật liệu xây dựng lại gặp phải không ít khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập khẩu giá rẻ.
Do vậy, các chuyên gia trong ngành đều đánh giá, nếu có thể tận dụng tốt hiệu ứng tích cực của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" lan tỏa thì chắc chắn thị trường vật liệu xây dựng sẽ bớt khó khăn hơn trong thời gian tới.
Phòng kỹ thuật
Công ty Sản Xuất Máy và Thiết Bị Xây Dựng Rồng Việt
Email: RongViet109@gmail.com
Website: www.Rovico.Vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét