Thiết bị xây dựng - Nếu nhà đầu tư và người dân lại bỏ tiền cùng “thổi bong bóng” lên để cứu BĐS trước mắt thì chỉ là sự phục hồi không bền vững.
Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” vừa công bố bản tin kinh tế vĩ mô quý 1-2013 với những phân tích đáng chú ý về việc “giải cứu” bất động sản và tình trạng nợ xấu ngân hàng.
Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” vừa công bố bản tin kinh tế vĩ mô quý 1-2013 với những phân tích đáng chú ý về việc “giải cứu” bất động sản và tình trạng nợ xấu ngân hàng.
Không nên giải cứu BĐS |
Ông Nguyễn Trí Dũng, quản đốc quốc gia dự án, cho biết:
- Bản tin kinh tế vĩ mô là sản phẩm quan trọng của dự án chúng tôi, được thực hiện trong khuôn khổ phối hợp giữa dự án và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (chủ trì biên soạn) để Ủy ban Kinh tế Quốc hội gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng như một tài liệu tham khảo. Bản tin đề cập thẳng thắn nhiều vấn đề và những quan điểm nêu ra không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ủy ban Kinh tế.
“Cứu” bất động sản có thể tạo “rủi ro đạo đức”
* Thưa ông, vấn đề “nóng bỏng” hiện nay là nợ xấu ngân hàng và việc hỗ trợ thị trường bất động sản, báo cáo có đề cập không, quan điểm như thế nào?
Sơ nét về bản tin kinh tế vĩ mô
Sơ nét về bản tin kinh tế vĩ mô
Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, các viện nghiên cứu của VN như Viện Kinh tế VN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội... Bản tin kinh tế vĩ mô được thực hiện trong khuôn khổ của dự án với Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN với mục đích cung cấp những phân tích, đánh giá tóm lược về xu hướng kinh tế thế giới cũng như cập nhật kinh tế VN.
- Thứ nhất, phải nói nguồn lực nhà nước hiện nay có hạn. Quy mô và nợ ở bất động sản cũng rất lớn rồi nên có muốn cũng khó có thể “cứu”. Thứ hai, theo thông tin do Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN thu thập, giá nhà đất ở VN đã tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân/năm của người lao động (trong khi ở châu Âu chỉ 7 lần, Thái Lan 6,3 lần, Singapore 5,2 lần). Ngoài ra, sẽ là không hay vì “giải cứu” có thể tạo ra rủi ro đạo đức, tức là các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh đầy rủi ro vì “lãi bỏ túi, lỗ sẽ có Nhà nước lo”, tạo ra mầm mống cho các cuộc khủng hoảng nợ xấu trong tương lai.
* Nhưng chúng ta đang thực hiện gói hỗ trợ rồi?
- Chính phủ đã có chủ trương tung ra 20.000-40.000 tỉ đồng để hỗ trợ, nhưng từ khi công bố đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì cơ bản, vì số tiền đó thực tế là không đáng kể so với quy mô thị trường. Nên có thể nói đây chỉ là “vốn mồi”. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư và người dân lại bỏ tiền cùng “thổi bong bóng” lên để cứu trước mắt thì chỉ là sự phục hồi không bền vững.
Bản tin nêu rõ đã có sai lệch lớn về nguồn cung bất động sản trung và cao cấp với cầu của thị trường. Cũng đang có sai lệch khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang nghĩ thị trường sẽ sớm tăng lại và ngồi chờ “giải cứu”. Trong khi nhìn về tương lai, quá trình đưa nền kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng cân bằng và bền vững mới bắt đầu nên thu nhập và chi tiêu của người dân, kể cả giới thượng lưu, cũng sẽ còn phải điều chỉnh theo xu hướng giảm.
* Vậy theo ông nên hỗ trợ khu vực bất động sản ở mức độ nào?
- Thị trường bất động sản đang chịu cảnh giá giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất ngân hàng cao, trên 12%/năm. Việc chúng ta có thể hỗ trợ để “hãm phanh” quá trình “nợ nở ra, tài sản co lại” là duy trì ổn định vĩ mô, giúp hạ lãi suất để “nợ không nở ra thêm”, có thời gian cho doanh nghiệp đưa giá về giá thực.
Phải nói là những đề xuất như đánh thuế tiền tiết kiệm của chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa qua một phần cho thấy tình hình khó khăn của khu vực bất động sản, nhưng nó cũng thể hiện tâm lý cố hữu là chờ đợi sự “giải cứu” từ Chính phủ cho khu vực này mà không tự mình “giải cứu” mình. Cách hỗ trợ bằng cách tung “vốn mồi” rồi hi vọng nhà đầu tư và người dân đổ tiền ra, đầu cơ đẩy “bong bóng” lên không phải biện pháp có lợi trong dài hạn.
Nhà nước cần tăng công khai, minh bạch
* Theo thông tin mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố, nợ xấu từ trên 8% đã xuống khoảng 6%. Đánh giá về năm 2012, bản tin đã thấy xu hướng sự đi lên rõ rệt của nền kinh tế chưa?
- Năm 2012 chúng ta đều ghi nhận một số chỉ số kinh tế của VN đã được cải thiện đáng kể, như lạm phát giảm, đã xuất siêu... Tuy nhiên, bên cạnh khía cạnh lạc quan của vấn đề, tăng trưởng năm 2012 lại là thấp nhất từ năm 2000 trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng tuy giảm từ mức 18,13% năm 2011 xuống chỉ 6,81% nhưng nền tảng chưa thật sự bền vững nên khi có điều chỉnh giá dịch vụ y tế là có biến động mạnh ngay.
Ngoài ra, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu giảm được xuống đến 6%, đó là mức giảm rất mạnh. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy rõ những cơ sở kinh tế thuyết phục cho việc giảm đó. Số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động vẫn tăng, đến nay đã hơn 100.000. Thị trường bất động sản vẫn “đóng băng”, tồn kho vẫn lớn, lãi suất vẫn khoảng trên dưới 12%/năm nên nợ vẫn đang “nở ra”... Do đó cần công bố rõ hơn xem nợ xấu đã được xử lý bằng nguồn nào, biện pháp gì. Điều này sẽ tăng niềm tin của người dân và nhà đầu tư, tránh những nghi ngờ nợ xấu giảm nhờ các ngân hàng cho đảo nợ, hay chỉ là sử dụng các biện pháp kỹ thuật. Một vấn đề nữa là với mức giảm nợ xấu ngoạn mục trên, thì nếu giữ tốc độ này chỉ trong năm 2013 có thể có khả năng kéo xuống khoảng 3-4%. Vậy có cần lập Công ty Quản lý tài sản VN (VAMC) nữa không?
* Bản tin đã thấy cơ hội kinh tế đi lên chưa và có đề xuất gì cho năm 2013?
- Thông thường muốn kinh tế đi lên thì chúng ta phải nhìn thấy đáy của chu kỳ kinh tế, nhưng năm 2012 dường như chúng ta chưa cảm nhận được đáy và cũng chưa thấy rõ những nền tảng thật sự bền vững để đi lên. Do vậy, cùng với mục tiêu đảm bảo ổn định vĩ mô, các chương trình tái cơ cấu kinh tế phải được thúc đẩy một cách mạnh mẽ và ưu tiên hàng đầu. Những đề xuất khá “sách vở” và nóng vội như phá giá VND 4% để thúc đẩy xuất khẩu có thể làm hỏng mục tiêu ổn định vĩ mô, làm giảm xấp xỉ 1% GDP và CPI tăng trên 2%.
Giải quyết bài toán nhập siêu trước mắt không thể dựa vào những điều chỉnh “danh nghĩa” như vậy mà cần xuất phát từ những yếu tố “thực” như cải thiện năng lực cạnh tranh công nghiệp và những cải cách mang tính “cơ cấu”. Nhiều nhà đầu tư, trước những chỉ số nợ xấu liên tục thay đổi và các thông điệp chính sách chưa nhất quán, đã thổ lộ chưa thể dám bỏ tiền ra đầu tư.
Chính phủ nên hỗ trợ thị trường bằng cách công bố rõ ràng giới hạn việc hỗ trợ bất động sản cũng như minh bạch điều kiện để các nhà đầu tư không cố giữ giá, mất chi phí “quan hệ” để có lợi. Bởi điều này sẽ tạo tình huống xấu hơn cho thị trường bất động sản: giá không giảm đến giá thực, thị trường cứ đóng băng, doanh nghiệp tiếp tục khó và nợ xấu ngân hàng không giảm.
Phòng kỹ thuật
Công ty BĐS - Cơ Khí Rồng Việt
Email: RongViet109@gmail.com
Website: www.Rovico.Vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét